Tàu nghiên cứu và hơn một chục tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam

Hôm thứ Tư 10 tháng 5, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được hộ tống bởi hai tàu Hải cảnh số hiệu và cả chục tàu dân quân biển Trung Quốc đã tiến vào khu vực có một lô khí đốt do các công ty quốc doanh của Nga và Việt Nam đang khai thác.

Tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu Hải cảnh và 11 tàu cá dân quân biển đã tiến vào cách lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam, khoảng 20 dặm và cách lô 05-1 B và 05-1 C do công ty Nhật Bản Idemitsu khai thác khoảng 10 dặm. Đến tối cùng ngày các tàu này vẫn còn ở trong khu vực. Các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông.

Tàu nghiên cứu Trung Quốc di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng đã giảm tốc độ 4-5 hải lý/giờ, cho thấy tàu đang tiến hành khảo sát ở đó.

Tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia mà không có thông báo trước bị coi là hành động thù địch hoặc khiêu khích.

Có ít nhất ba tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tiến sát các tàu Trung Quốc. Trong buổi sáng ngày 10 tháng 5, tàu Kiểm ngư 414 đã liên tục bị tàu Hải cảnh Trung Quốc 4303 quấy rối và bị tàu dân quân Qiong Sansha Yu 309 cắt ngang trước mặt gần các mỏ dầu khí của Việt Nam. Tuy nhiên đến tối ngày 10 tháng 5 (giờ Việt Nam) Kiểm ngư 414 được ghi nhận đi theo tàu khảo sát Trung Quốc Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng) khi tàu này đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý. Phía Việt Nam còn điều thêm tàu Kiểm ngư 475 từ Cam Ranh ra theo dõi các tàu của phía Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhiều lần bị cáo buộc sử dụng lực lượng hải cảnh và một đội tàu dân quân biển giả dạng tàu đánh cá để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động khai thác năng lượng ngoài khơi của các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đây là cách thức của Bắc Kinh nhằm để áp đặt tuyên bố chủ quyền  bất hợp pháp trên gần như toàn bộ Biển Đông và cũng để thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh vào thời điểm căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Nhưng theo ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông của Đại học Stanford, thì động thái hôm 10 tháng 5 là “bất thường” vì “số lượng lớn các tàu dân quân và tàu hải cảnh”.

“Dường như họ đang gửi thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam”, ông Powell nói.

Một ngày trước, ngày 9 tháng 5, các tàu thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã cố tình tiến gần một khu vực trên Biển Đông nơi hải quân của Ấn Độ và các nước ASEAN đang diễn tập. Khu vực này nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đây là cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME-2023), do hải quân Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức.

Các chuyên gia độc lập về Biển Đông thuộc tổ chức SCSCI cho rằng Bắc Kinh dường như sử dụng lực lượng dân binh để hăm dọa và phá rối cuộc diễn tập hải quân. Đây không phải là lần đầu tiên “cái gọi là tàu cá” của Trung Quốc xuất hiện và hăm dọa tàu đánh cá và cả tàu chiến của các nước khác.

Vào tháng 3 các tàu Trung Quốc cũng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến gần các lô dầu khí do các công ty Nga khai thác.