RFA – Trung Quốc liên tục uy hiếp Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, Hà Nội cần lên tiếng!

Những ngày tháng 10 này, chúng ta liên tục chứng kiến các cuộc khẩu chiến và khiêu khích, thậm chí là “nắn gân” nhau giữa Philippines và Trung Quốc ở các khu vực trên Biển Đông.

Nhà ngoại giao cấp cao của Philippines Teodoro Locsin Jr., người nổi tiếng với những chỉ trích gay gắt nhằm vào Trung Quốc, đã tham gia hành trình cùng lực lượng tuần duyên tại Biển Đông hồi đầu tháng này, chứng kiến các hành vi bao vây, thậm chí là gần như va chạm của tàu thuyền Trung Quốc với phía Philippines (1). Ông Teodoro Locsin Jr. đã có mặt trên một trong hai tàu bảo vệ bờ biển Philippines hộ tống hai tàu Philippines vận chuyển thực phẩm và các vật tư khác tới căn cứ Philippines ở Bãi Cỏ Mây hôm 4/10. Hiện chưa rõ lý do các thông tin về hành trình này được Philippines trì hoãn công bố.

Trước đó, vào tháng 8, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã bổ nhiệm ông Locsin, 74 tuổi và hiện là Đại sứ Philippines tại Anh, kiêm nhiệm vai trò đại diện đặc biệt về Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza nói: Với tư cách đại diện đặc biệt, ông ấy sẽ cập nhật kịp thời các vấn đề liên quan để thảo luận với phía Trung Quốc và đối với ông ấy, không có cách nào tốt hơn việc hiểu rõ vấn đề của Biển Tây Philippines bằng cách nắm được những gì đang diễn ra trong vùng biển của chúng ta” (2). Philippines gọi Biển Đông là Biển Tây Philippines.

Là Ngoại trưởng Philippines dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Marcos, Rodrigo Duterte, Locsin thường xuyên có những bình luận gay gắt trên truyền thông để chỉ trích hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, ông không đưa ra tuyên bố nào sau khi ông chứng kiến tận mắt tám giờ đối đầu căng thẳng giữa hải cảnh Trung Quốc và các tàu Philippines tại Bãi Cỏ mây hôm 4/10.

Hai tàu tiếp tế do hải quân Philippines điều khiển và được hai tàu cảnh sát biển lớn hơn hộ tống đã vượt qua vòng phong tỏa của lực lượng tuần duyên Trung Quốc để vận chuyển thực phẩm, nước uống và các vật tư khác cho lực lượng thủy quân lục chiến Philippines và các nhân viên đóng trên tàu chiến mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, các tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đã chặn và bao vây hai tàu hộ tống của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, bao gồm cả tàu BRP Cabra mà ông Locsin có mặt, tiếp cận Bãi Cỏ Mây. Theo người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã áp sát và chỉ cách tàu cảnh sát biển khác của Philippines là BRP Sindangan khoảng một mét. Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Thiếu tướng Jay Tarriela nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 6/10: Chúng tôi lên án hành vi của tàu tuần duyên Trung Quốc. Họ đã vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy định về va chạm” (3). Ông nói rằng đây là “hành động nguy hiểm gần nhất” của bất kỳ tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc nào chống lại tàu tuần tra Philippines.

Trung Quốc đổ lỗi

Ngày 9/10, Trung Quốc lớn tiếng cảnh báo Philippines tránh các hành vi khiêu khích” hơn nữa tại Bãi Cỏ Mây, nơi nước này gọi là Đá Nhân Ái, nhấn mạnh những hành động này xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như gây gián đoạn hòa bình, ổn định trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong một tuyên bố: Philippines không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền tại Đá Nhân Ái, nhất là khi xét đến khoảng cách từ địa điểm này tới lãnh thổ Philippines”. Bộ này cũng yêu cầu Philippines dừng các hành vi khiêu khích” và “gây rối” trên biển, khẳng định Trung Quốc sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền hàng hải cũng như lợi ích lãnh thổ của nước này (4).

Một ngày sau đó, Tư lệnh lục quân Philippines Romeo Brawner Jr. bác bỏ tuyên bố của hải cảnh Trung Quốc rằng lực lượng này đã xua đuổi một xuồng vũ trang của hải quân Philippines khỏi bãi đá ngầm có tranh chấp ở Biển Đông, coi đó là tuyên bố mang tính tuyên truyền”. Ông Brawner nói: Hải cảnh Trung Quốc đã có mặt ở đó và tìm cách cản đường. Nhưng tàu hải quân vẫn tiếp tục hành trình và không bị xua đuổi. Tàu này đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải. Quan điểm của chúng tôi vẫn cho rằng đó là nội dung tuyên truyền của Trung Quốc” (5).

Hải cảnh Trung Quốc trước đó tuyên bố đã thực hiện các biện pháp cần thiết” để xua đuổi xuồng vũ trang của Philippines khỏi Bãi cạn Scarborough (nước này gọi là Đảo Hoàng Nham) sau khi họ phớt lờ những cảnh báo nhiều lần. Người phát ngôn hải cảnh Trung Quốc Cam Vũ (Gan Yu) cho rằng hành động của Philippines vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế (6).

Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc gần đây vô cùng căng thẳng, đặc biệt trên Biển Đông. Phát biểu ngày 19/10 tại Manila, Tham mưu trưởng quân đội Philippines -Tướng Romeo Brawner cho biết ông đã ra lệnh đình chỉ chương trình trao đổi quân sự với Trung Quốc, sau khi Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào hai tàu vận tải quân sự Philippines và hai tàu Cảnh sát biển Philippines ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Manila cho rằng sự việc này xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines (7).

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu của Philippines ở Bãi cạn Scarborough, Biển Đông hôm 22/9/2023

Việt Nam im lặng đến bao giờ?

Trung Quốc năm nay đẩy mạnh các hoạt động đe doạ trên Biển Đông, không chỉ với Philippines, mà còn với cả Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, các tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm EEZ của Việt Nam, nhưng nước này hiếm khi lên tiếng đồng thời cũng không cho báo chí đưa tin về các sự kiện này. Chỉ trong tháng 5, phía Việt Nam mới chính thức lên tiếng sau khi tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã hoành hành trong EEZ của nước này 28 ngày liên tiếp. Sau đó, liên tiếp có những ghi nhận từ Ray Powell – một chuyên gia chuyên theo dõi các tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ các nước Đông Nam Á, cho thấy tàu Trung Quốc vẫn luôn hiện diện trong EEZ của Việt Nam. Mới đây, ngày 18/10, ông Ray Powell cho biết các tàu đánh cá của Trung Quốc tiến sát vào gần đảo Phú Quý của Việt Nam, chỉ cách đảo này chừng 50-100 hải lý (8). Tuy nhiên, tất cả báo chí Việt Nam đều không lên tiếng trước sự kiện này.

Sự căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc cho thấy: i) Trung Quốc chưa bao giờ thôi dã tâm chiếm đoạt Biển Đông làm ao nhà của họ; ii) Philippines đối đầu mạnh mẽ trước Trung Quốc vì có sự giúp đỡ của các đồng minh phương Tây. Chính sự lên tiếng mạnh mẽ của Philippines như vậy đã khiến nước này giành lại thế chủ động trong việc chống lại các hành động đe doạ của Trung Quốc.

Nói đến đây, chúng ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Napoleon Bonaparte: “Thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của kẻ xấu, mà vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ đe doạ và ép Việt Nam trên Biển Đông như họ đã từng làm nhiều lần. Và liệu lúc đó, Việt Nam kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, thì sẽ có ai chú ý không?

Bình luận của Cung Đức Duy

RFA – 26/10/2023