Gần 50 người có mặt tại Quốc Hội Mỹ vào chiều Thứ Năm, 18 Tháng Giêng, tham dự buổi hội thảo mang tên “50 Năm Hoàng Sa Bị Trung Quốc Xâm Chiếm” do Việt Tân tổ chức, với sự ủng hộ của các dân biểu Quốc Hội.
Tính chất lịch sử và sự minh định về chủ quyền lãnh hải quốc gia được khẳng định mạnh mẽ hơn khi có sự tham dự của các dân biểu liên bang Hoa Kỳ, như Dân Biểu Young Kim (Địa Hạt 39, Cộng Hoà, California), Chủ Tịch Uỷ Ban Về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – Ủy Ban Ngoại Giao và Hạ Viện Hoa Kỳ; đại diện cho Dân Biểu Chris Smith (Địa Hạt 4, Cộng Hòa, California), và những diễn giả khác.
Một điểm chung ở các phần trình bày trong buổi hội thảo là sự xác nhận việc Trung Quốc cưỡng chiếm trái pháp luật ở Biển Đông. Cuộc hội thảo ở Quốc Hội Hoa Kỳ đúng dịp 50 năm ngày mất Hoàng Sa là cách thể hiện điều đó.
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân nói: “Tôi nghĩ bằng việc đánh dấu ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa là chúng ta nhấn mạnh tính bất hợp pháp của hành động đó.”
Trước khi bắt đầu cuộc hội thảo, một đoạn video ngắn về lịch sử trận hải chiến Hoàng Sa và những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông được trình chiếu.
Dân Biểu Young Kim là diễn giả đầu tiên, nhấn mạnh ngay nội dung chính là việc Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa khi đó thuộc chủ quyền của VNCH.
Bà cho biết: “Là Chủ Tịch Uỷ Ban Về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tôi luôn nói rằng Hoa Kỳ rất cần phải có hành động quyết liệt hơn về sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc xây đảo nhân tạo trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác như Việt Nam và Philippines.”
Dân Biểu Young Kim kể lại một chi tiết mà bà từng thấy trong chuyến đi cùng các dân biểu lưỡng đảng đến Biển Đông năm 2023. “Tôi chứng kiến sự hung hãn của quân đội Trung Quốc quanh khu vực tranh chấp,” bà nói. “Một sự thật không thể tranh cãi đó là Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép các đảo ở Biển Đông.”
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân nhắc lại cuộc xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc 50 năm trước, và nhấn mạnh, “đó là hành động xâm lược và là mối nguy hiểm mới cho thế giới văn minh ngày nay.”
Trung Quốc đã vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc khi chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa từ VNCH, và không dừng lại ở đó.
“Việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa là bàn đạp để mở rộng sang quần đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Vì vậy, mục đích của sự kiện hôm nay là đưa ra các hành động hỗ trợ hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Hoàng Tứ Duy phát biểu.
“Chúng ta có thể làm gì?”
Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, ông Hoàng Tứ Duy đưa ra ba đề xuất để trả lời cho câu hỏi “chúng ta có thể làm gì?”
“Đầu tiên là công khai bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Hạ viện có thể thông qua một nghị quyết tố cáo Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 và những vùng khác trong thời điểm Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm giữ các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, chẳng hạn như Đảo Gạc Ma năm 1988, Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012.”
“Thứ hai là đẩy lùi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị Biển Đông. Đến nay, mô hình chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã rõ ràng, muốn sớm đơn phương kiểm soát toàn bộ Biển Đông.”
Một vấn đề thường được báo chí trong nước nhắc đến trong bối cảnh rất “khiêm tốn” và “dè dặt,” đó là ngư dân Việt Nam và Philippines liên tục bị tàu đánh cá Trung Quốc tấn công, gây cản trở việc bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc này được ông Hoàng Tứ Duy nêu lên như một bằng chứng về những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tuyên bố cấm đánh bắt cá ở những vùng thuộc vùng biển quốc tế, tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vì vậy, việc Trung Quốc dùng máy bay không người lái của cảnh sát biển để quấy rối ngư dân, không chỉ tác động đến việc thiếu trách nhiệm mà còn có nghĩa là họ đang chứng minh người Trung Quốc có quyền khai thác về dầu khí.”
Ông đưa ra đề xuất thứ ba: “Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam tự do và cởi mở hơn.”
“Điều thực sự quan trọng là trao quyền cho người dân nước này và các quốc gia khác để bảo vệ chủ quyền của họ. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Chiến lược cơ bản của Bắc Kinh là chia rẽ cộng đồng quốc tế và làm giảm sự độc lập của các nước láng giềng. Vì vậy, vấn đề Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung nên được thảo luận trên các diễn đàn quốc tế, chứ không chỉ ở các diễn đàn song phương, nơi Trung Quốc có thể bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn.”
Chánh Văn Phòng Uỷ Ban Hạ Viện về Trung Quốc, ông Piero Tozzi, từng là cố vấn chính sách đối ngoại và là đại diện cho Dân Biểu Chris Smith tại hội thảo này, yêu cầu mọi người hãy xem phản ứng của chính phủ Philippines.
Ông nói: “Philippines đã vô cùng dũng cảm. Và tôi nghĩ tất cả chúng ta, những người quan ngại về việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông một cách phi lý và bất hợp pháp cũng như những tác động của nó đối với chủ quyền của Việt Nam và các quốc gia khác, phải nhìn vào Philippines và phải hỗ trợ Philippines.”
Theo ông Tozzi, quan trọng là chính phủ phải làm tốt như Quốc Hội Hoa Kỳ, phải giữ vững lập trường. Ông khẳng định: “Chúng ta có quan điểm ủng hộ pháp quyền. Chúng ta đứng lên vì chủ quyền quốc gia và chúng ta đứng lên vì cộng đồng các quốc gia khác.”
Ông Chris MacLeod, thuộc Tổ Hợp Luật Sư Cambridge LLP, Canada cũng khẳng định những gì xảy ra ở Hoàng Sa năm 1974 là một hành động xâm lược tuyệt đối. Mặc dù có những lời chỉ trích và lên án bằng thư từ, công hàm ngoại giao, nhưng Trung Quốc đã bỏ qua tất cả.
Một trong hai đề nghị ông MacLeod đưa ra trong sự kiện “50 năm Hoàng Sa,” đó là “đưa ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Theo Luật Biển liên quan đến Hoàng Sa.”
“Lựa chọn khác là đưa ra Tòa Án Công Lý Quốc Tế và yêu cầu tìm kiếm ý kiến tư vấn về quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ, Tòa Án Công Lý Quốc Tế có thể xét xử vấn đề lãnh thổ và ai kiểm soát chủ quyền đối với Hoàng Sa, theo lịch sử và phạm trù luật pháp quốc tế. Vì vậy, Đại Hội Đồng có thể đưa ra Tòa Công Lý Quốc Tế,” ông MacLeod nói.
Ông MacLeod kết thúc bài phát biểu của mình bằng một quan điểm giống với ông Perio Tozzi: “Việt Nam có thể làm như Philippines đã làm và giải quyết vấn đề thông qua Luật Biển. Tôi nghĩ rằng Tòa Án Công Lý Quốc Tế, nếu Hoa Kỳ và các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác có thể thuyết phục hoặc thuyết phục Việt Nam thực hiện bước đi đó, thì lý tưởng nhất là Đại Hội Đồng có thể xin ý kiến tư vấn.”
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Nhưng để làm được điều đó cần có ý chí chính trị.”
Điều này không khác với nhận định ông Hoàng Tứ Duy đã đưa ra: “Việc đạt được một Thái Bình Dương ổn định và hòa bình đòi hỏi ý chí chính trị của Hoa Kỳ chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.”
Một diễn giả khác trong buổi hội thảo là Luật Sư Nhân Quyền Đặng Đình Mạnh. Ông thu hút các cử tọa bằng câu chuyện ngắn gọn, kể về những người ông từng bào chữa vì tội “chống Trung Quốc.”
Đó là những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm như nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Lê Minh Tuấn,… Họ đều là những người lên tiếng phản đối sự xâm chiếm biển đảo kéo dài hơn nửa thế kỷ của Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh tiếp lời Luật Sư Đặng Đình Mạnh bằng nhận định mà ông nhìn thấy trong suốt sự nghiệp báo chí của mình, đó là: “Truyền thông trong nước sẽ không bao giờ nói lên những điều người dân muốn nói. Đừng mong báo chí trong nước lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Mà chúng ta phải làm điều đó.”
Ông mong rằng sau ngày hôm nay, tất cả mọi người, trong và ngoài nước sẽ có một biện pháp, cho dù điều đó không dễ dàng. “Nhưng nếu chúng ta không làm, sẽ không ai làm,” ông Nguyễn Văn Khanh nói.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, lịch sử và người dân Việt Nam chưa bao giờ quên trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, một dấu mốc khởi đầu cho những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc hội thảo vào chiều Thứ Năm, 18 Tháng Giêng ở Quốc Hội Hoa Kỳ là một trong nhiều hoạt động khác ở khắp Hoa Kỳ nhằm tưởng niệm nửa thế kỷ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh cướp.
Bởi vì, cho đến hôm nay, “vấn đề Hoàng Sa không phải là lịch sử nữa mà thực sự là một thách thức cho tất cả mọi người mong muốn một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” như lời ông Hoàng Tứ Duy nói tại cuộc hội thảo này. [kn]
Ngo Kalynh – Người Việt