Từ năm 1999, hàng năm Trung quốc lại đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá này từ năm 1999. Tuy nhiên, trước đây, lệnh cấm này chỉ kéo dài hai tháng, còn vài năm trở lại đây, lệnh cấm này được phía Trung Quốc kéo dài tới hơn ba tháng.
Ngày 13 tháng 3 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc – MOA đã công bố lệnh cấm đánh bắt cá sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và kéo dài không dưới ba tháng. Thời gian dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt do cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xác định và báo cáo MOA. Lệnh cấm đánh bắt áp dụng cho tất cả các loại tàu đánh cá của bất kỳ quốc gia nào ở các khu vực Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông và do lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thực thi lệnh cấm này.
Theo giải thích từ phía Trung Quốc, thì lệnh cấm đánh bắt cá này là “một phần trong nỗ lực của nước này nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá trên biển một cách bền vững và góp phần cải thiện hệ sinh thái biển”. Nhưng đây có phải lá lý do thật không? Hay việc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá chỉ là chiến thuật để Bắc Kinh chèn ép các nước trong vùng và củng cố tuyên bố chủ quyền đối với khu vực?
Hơn 77% trong số 190 triệu người cư trú ở các khu vực ven bờ Biển Đông phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản của vùng biển này. Nhu cầu cao này khiến sản lượng đánh bắt hàng năm ở Biển Đông chiếm hơn 12% tổng số cá đánh bắt trên thế giới, dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức ở Biển Đông.
Kể từ những năm 1980, trữ lượng thủy sản ở Biển Đông đã giảm nhanh chóng. Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo dõi – IUU là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức này và góp phần làm suy thoái môi trường biển.
Tuy nhiên, Trung Quốc chính là quốc gia đứng đầu trong danh sách các đội tàu IUU trên thế giới. Hầu hết các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của Trung Quốc được thực hiện bởi đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc, là đội tàu lớn nhất thế giới. Dữ liệu chính thức cho biết đội tàu này có khoảng 2.600 tàu. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Viện Phát triển Hải ngoại cho thấy số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc có số lượng gần 17.000 tàu. Các ước tính khác cho biết tổng số tàu đánh bắt cá của Trung Quốc, tàu đánh bắt xa và gần bờ, vào khoảng từ 200.000 đến 800.000 tàu.
Các đội tàu của Trung Quốc bị lên án tiến hành đánh bắt bất hợp pháp ở các khu vực biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia láng giềng ở Biển Đông, Hoàng Hải và Biển Nhật Bản. Vì thế, khó có thể nói lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc chủ yếu là để bảo vệ nguồn cá trên Biển Đông.
Ngoài ra, các hoạt động bồi lấp và quân sự hoá các thực thể tại Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc đã phá huỷ rất nhiều rạn san hô, dẫn đến môi trường biển bị tàn phá.
Nếu thực sự muốn bảo vệ môi trường biển và nguồn cá trên Biển Đông thì Trung Quốc cần phải tự chấn chỉnh lại các hành động tàn phá của mình. Chính vì vậy, phần đông các nhà nghiên cứu trên thế giới thấy rằng Trung Quốc đang sử dụng lập luận bảo vệ môi trường như một công cụ để phô trương sức mạnh và áp đặt tuyên bố chủ quyền đơn phương bất hợp pháp ở Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự bành trướng quân sự bằng cách đưa ra Luật Hải Cảnh, cách cấp cho lực lượng Hải cảnh thẩm quyền có thể bắn và lai dắt các tàu nước ngoài.
Tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung quốc đã bị Tòa Trọng Tài quốc Tế tuyên bố là không có cơ sở pháp lý, vi phạm UNCLOS 1982. Vì vậy Trung Quốc rõ ràng không có tư cách pháp lý để đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông và đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc là điều Việt Nam cần làm, nhưng chưa đủ. Chính phủ Việt Nam cần kiện Trung quốc ra Tòa án quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khi ngăn cản các tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.