Hãy tưởng niệm Hoàng Sa bằng hành động

Ngày 19 tháng 1 năm nay đánh dấu 49 năm (1974-2023) ngày Trung Cộng ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, với sự hy sinh anh dũng của 74 sĩ quan và binh lính Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Trong những năm qua, những hành vi gây hấn của Trung Cộng tại Biển Đông ngày càng trắng trợn và mạnh bạo, gây nhiều thiệt hại nhân mạng và tài sản cho người dân Việt Nam. Từ việc đánh chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa vào năm 1988 khiến 64 chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân hy sinh, cho đến việc đưa ra Luật Hải Cảnh cho phép hải quân Trung Cộng bắn vào tàu và người Việt Nam trong vùng biển mà Trung Cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Thế nhưng trong hơn bốn thập niên qua, nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa làm đủ để minh định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, giành lại lãnh thổ lãnh hải và bảo vệ người dân. Trong khi đó, người dân biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, công khai lên án các hành vi gây hấn của Trung Cộng thì bị đàn áp, bỏ tù.

Bắc Kinh đang mong muốn với thời gian kéo dài và sự phản đối yếu ớt của chính phủ CSVN thì Thế Giới sẽ quên rằng Trung Cộng đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.

Vì vậy trong thời gian trước khi đến mốc điểm 50 năm Hoàng Sa bị cưỡng chiếm, Đảng Việt Tân kêu gọi những hành động cụ thể sau đây:

Thứ nhất, hãy cùng nhau mạnh mẽ lên án hành vi xâm lược của Trung Cộng và đòi hỏi nhà nước CSVN thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền lợi kinh tế và cuộc sống của ngư dân trên Biển Đông. Bắt đầu với việc trả tự do ngay lập tức cho những người Việt Nam yêu nước đang bị giam cầm vì chống Trung Cộng. Đồng thời không ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong hai trận chiến Hoàng Sa và Trường Sa hay phản đối hành vi xâm lược của Trung Cộng.

Thứ hai, đòi hỏi chính phủ CSVN phải quốc tế hóa việc Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô cớ tấn công ngư dân bằng cách mạnh mẽ lên án các hành vi bất hợp pháp của Bắc Kinh trước Liên Hiệp Quốc và kiện Trung Cộng ra tòa án Quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam cần kết hợp với các quốc gia tự do dân chủ trong khu vực để tạo sức mạnh liên minh nhằm ngăn cản sự bành trướng của Trung Cộng, bảo vệ hòa bình chung cũng như bảo vệ cuộc sống và sinh mệnh của ngư dân Việt Nam. Nếu Trung Cộng gây ra thiệt hại cho ngư dân, chính phủ CSVN phải đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường thỏa đáng cho ngư dân.

Việc Trung Cộng hiện đang bị các quốc gia tự do dân chủ xem là mối đe dọa cho an ninh và trật tự thế giới và với mốc điểm 50 năm sắp tới, đây là thời điểm quan trọng chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động để nhắc với Thế Giới rằng Hoàng Sa đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm bằng vũ lực.

Đảng Việt Tân mong cùng toàn dân Việt Nam đồng hành trong trách nhiệm chung: bảo vệ chủ quyền và người dân Việt Nam.

Ngày 19 tháng 01 năm 2023

Đảng Việt Tân

Mọi chi tiết xin liên lạc: TS Đông Xuyến, +1 346-704-4744

SGN – Ngư dân Việt kể chuyện bị Trung Quốc tấn công

Ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc đâm chìm, được cứu về đảo Lý Sơn

Ngư dân Việt Nam Nguyễn Văn Lộc kể cho giới truyền thông quốc tế biết việc anh đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc tấn công nhiều lần, chuyện đó xảy ra nhiều đến mức anh không còn nhớ nỗi là lần thứ bao nhiêu rồi. Từ Lý Sơn, anh Lộc kể rằng lần đáng nhớ nhất là vào một ngày mùa hè năm 2020, khi anh đi qua quần đảo Hoàng Sa – vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông mà cả Hà Nội và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền – thuyền của anh đã bị một tàu Trung Quốc xông đến, đâm liên tục cho đến khi lật úp. 13 người thuyền viên của anh lóp ngóp dưới biển, bám vào các giỏ đánh cá nổi lên trên mặt nước, tuyệt vọng chờ sự giúp đỡ suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Anh Lộc năm nay, 43 tuổi, kể đời đi biển của anh bị cướp, bị đánh đập như chuyện cơm bữa. Khi tàu Trung Quốc ập đến, thuyền của anh bị cướp tất cả những gì đánh bắt được, cướp cả công cụ và ngư lưới.

Vài năm trước đó, hai tàu Trung Quốc với súng máy lớn và thủy thủ đoàn trang bị rìu đã cố ý đâm vào thuyền của Lộc và cứ bám theo, trong khi chiếc thuyền tơi tả cố tìm đường về nhà.

Giờ đây, những vùng biển tranh chấp ngày một lớn dần – nơi anh Lộc bắt đầu vào nghề đi biển từ khi còn là một cậu bé 15 tuổi – đã là khu vực cấm đi lại. Những vùng biển gọi là an toàn trong sự kiểm soát của Việt Nam, bị đánh bắt quá mức, khiến anh Lộc chỉ dừng lại khoảng một giờ, sau đó lại phải đi xa hơn nữa để có thể đánh bắt được.

“Chúng tôi cũng sợ lắm”, Lộc nói với hãng tin AFP. “Nhưng bây giờ đây thì mọi thứ chỉ là cuộc sống bình thường của chúng tôi.” Thỉnh thoảng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng yêu cầu Bắc Kinh điều tra vụ việc. Những lúc như vậy câu chuyện được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Việt Nam nhưng các ngư dân khác từ đảo Lý Sơn cho biết họ việc bị quấy rối vẫn diễn ra thường xuyên.

Từ năm 2014, có 98 tàu thuyền Việt Nam đã bị tàu trang bị súng và rìu, máy bắn nước… của Trung Quốc đánh phá, theo số liệu của Hiệp hội nghề cá địa phương ở Lý Sơn. Vùng đảo này là nơi sinh sống của hàng trăm ngư dân và gia đình của họ, những người có cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào những chuyến ra khơi.

Một trong những chiếc tàu của ngư dân Việt bị đâm chìm

 

Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tuyên bố chủ quyền đối với một phần biển từ các vùng biển này, nhưng Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc khẳng định chủ quyền trong khu vực dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sát mép nước của bờ biển đảo Lý Sơn, nơi có những phụ nữ đội nón lá truyền thống đánh bắt trong ngày, là bãi sửa tàu của Lý Sơn. Nhưng giờ đây các chỗ sửa thuyền của Lý Sơn không còn đủ sức để giải quyết những thiệt hại nặng nề gây ra, bởi các con thuyền từ Trung Quốc mà ngày càng một nhiều. Nhiều người trên đảo buộc phải dong thuyền vào đất liền để chở sửa chữa hư hại, những lúc như vậy các gia đình đi biển gần như không còn hoạt động gì để mưu sinh.

Bắc Kinh giành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau khi bất ngờ mở cuộc chiến xâm lược với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa – vốn lúc ấy đang tận sức đối đầu với quân Bắc Việt. Cuộc chiến ấy khiến 75 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng.

Theo Hiệp hội nghề cá Lý Sơn, hôm nay, tàu tuần duyên Trung Quốc có thêm trò mới là tìm cách bắn hạ cờ Việt Nam giăng trên cabin của mỗi tàu cá, và hầu hết thuyền viên không còn cách nào khác là phải ra khơi không có cờ đánh dấu tàu Việt Nam, vì sợ hậu quả, nếu cứ giương lá cò đỏ sao vàng chứng minh chủ quyền, nhưng bản thân họ không có hậu thuẫn nào mang tính quốc gia.

Hiệp hội nghề cá địa phương cho biết trong ba thập niên qua, 120 ngư dân ở Lý Sơn đã thiệt mạng do bị tàu Trung Quốc tấn công hoặc do tàu thuyền từ Trung Quốc từ chối cứu trợ khi thời tiết xấu.

“Các tàu của chúng tôi nhỏ,” ông Lộc nói. “Nếu như bị đuổi, thì chỉ có chạy.” Nhưng anh Lộc, cũng như nhiều ngư dân khác, vẫn gắn bó với vùng biển, nơi ông nội và cha anh đã đánh bắt trước anh. Anh không có cách nào khác, không có lựa chọn nào nữa. “Ngư trường này có từ đời tổ tiên của chúng tôi, nên chúng tôi không thể từ bỏ nó”.

Phương quý – Sài Gòn Nhỏ 03/11/2022

RFA – Biển Đông: Ngư dân Việt Nam tiếp tục bị bắn, các nước cần có thỏa thuận về vùng đánh cá chung

Một ngư dân Việt Nam bị thương nặng trong một vụ nổ súng. Vụ việc này cho thấy rõ tình thế bấp bênh của ngư dân trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.

Ông Võ Minh Quân ở Bình Châu, một làng chài lâu đời ở tỉnh Quảng Ngãi nói với báo chí Việt Nam rằng thuyền của ông đã bị tấn công vào đêm ngày 9/9/2022 bởi một nhóm người nước ngoài có vũ trang. Họ cũng cướp đi cá và trang thiết bị trên tàu.

Vị trí xảy ra vụ ngư dân Việt Nam bị bắn bị thương vào ngày 9/9/2022.
Vị trí xảy ra vụ ngư dân Việt Nam bị bắn bị thương vào ngày 9/9/2022.

 

Tàu của ông neo đậu cách phía Đông Nam của Đảo đá Tiên nữ (Pigeon Reef), một tiền đồn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, khoảng 40 hải lý (74 km).  Sau khi bị bắn, người đàn ông 52 tuổi này được chuyển đến đảo Phan Vinh (Pearson Reef), một đảo đá lớn hơn mà Việt Nam chiếm đóng từ năm 1978. Tại đó, ông được sơ cứu rồi đưa vào đất liền.

Đó là vùng biển Việt Nam”-  ông Bùi Duy Tân, thuyền trưởng cho biết. “Đó là ngư trường truyền thống của chúng tôi và chúng tôi thường xuyên đánh bắt cá ở đây” – ông nói với báo Người Lao Động.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã mở cuộc điều tra về vụ nổ súng nhưng các thuyền viên của tàu cá cho biết sự việc xảy ra quá nhanh, trời tối nên họ không thể đoán biết được quốc tịch của những kẻ tấn công. Sự việc xảy ra không xa đảo Palawan của Philippines cũng như bang Sabah của Malaysia. Địa điểm xảy ra vụ việc cũng có thể dễ dàng tiếp cận từ một bãi đá do Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa.

Vào thời điểm này không thể nói những kẻ tấn công đến từ đâu” – ông Vũ Thanh Ca, một cựu cán bộ cao cấp của Chính phủ, người đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về Biển Đông. “Họ thậm chí có thể là cướp biển.”

Viên đạn đã xuyên vào chân Quân và ông sẽ phải trải qua một số cuộc phẫu thuật và có thể sẽ phải giã từ nghề đánh cá.

RFA 27/09/2022

RFI – Biển Đông: Tàu Trung Quốc lại tấn công tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa

Theo báo chí Việt Nam, ngày 12/06/2020, một ngư dân ở Quảng Ngãi đã trình báo với chính quyền việc tàu đánh cá của ông bị một tàu công vụ Trung Quốc truy đuổi, đâm hỏng và cướp bóc tại vùng biển Hoàng Sa. Bộ Ngoại Giao Việt Nam xác nhận có biết tin và đã yêu cầu phía Trung Quốc điều tra.

Theo lời kể của ngư dân Nguyễn Lộc, được báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn, chiếc tàu QNg 96416 của ông, với một thủy thủ đoàn gồm 15 người, đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa hôm 10/06 thì bị một chiếc “tàu sắt” Trung Quốc mang số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi, liên tiếp đâm vào làm cho hư hỏng và lật nghiêng, khiến các ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân.

Phía Trung Quốc sau đó đã vớt một số ngư dân Việt Nam đưa trở về tàu cá, tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu, đánh đập thuyền trưởng vì không chịu ký vào giấy tờ do phía Trung Quốc đưa ra, trước khi cho tàu cá rời đi.

Theo ông Nguyễn Lộc, vụ việc xẩy ra ở vùng biển cách đảo Linh Côn, thuộc Hoàng Sa, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam. Thông tin do ngư dân cung cấp không nói rõ là chiếc tàu Trung Quốc thuộc đơn vị nào, nhưng xác nhận là trên chiếc tàu có trang bị hai ổ súng.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam xác nhận

Theo báo Tuổi Trẻ trên mạng, sáng hôm nay 13/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã xác nhận sự cố, cho biết là “ngay trong ngày 10/06” tức là khi xẩy ra vụ việc, bộ Ngoại Giao và đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã “trao đổi với phía Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết”.

Đây là lần thứ hai trong hai tháng tàu Trung Quốc bị tố cáo tấn công tàu đánh cá của Việt Nam tại vùng Hoàng Sa.

Trọng Nghĩa – RFI 13/06/2020