Các thành viên Việt Tân ở Sydney đòi lại Đất Tổ

Từ sáng sớm tinh mơ ngày Chủ Nhật 16/7/2023, anh chị em đảng viên Việt Tân đã tề tựu đông đủ tại Cabramatta Plaza, Sydney. Biểu ngữ được treo lên cùng lúc với các bảng triển lãm những hình ảnh sống động để tố cáo trước dư luận thế giới cũng như người Việt ở trong và ngoài nước về biến cố Trung Cộng xâm lăng Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974 khiến 74 sĩ quan và binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà phải hy sinh, cũng như xâm lăng Quần Đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988 khiến 64 chiến sĩ Việt Nam phải hy sinh.
Vào đầu năm nay Đảng Việt Tân đã phát động Chiến Dịch Hoàng Sa Là Của Việt Nam trên toàn thế giới để kỷ niệm và đánh dấu 50 năm Trung Cộng xâm lăng các quần đảo của Việt Nam.
Châm ngôn của Chiến Dịch này là, theo tinh thần của Vua Trần Nhân Tông và Vua Lê Thánh Tông là “Không để mất một tấc của Tổ Tiên vào tay giặc!”. Nguyện một lời thề “Nhất quyết đòi lại Đất Tổ!”
Nhân dịp này, một Kiến Nghị Thư với chữ ký của đồng bào Việt Nam và những người phản đối hành động xâm lược trắng trợn của Trung Cộng sẽ được gửi tới Liên Hiệp Quốc, AUKUS và QUAD.
Trong mục tiêu đó, các cơ sở Đảng Việt Tân tại khắp nơi trên thế giới đang tiếp tục bung ra vận động dư luận quốc tế và người Việt trong và ngoài nước để ký vào Kiến Nghị. Cuộc vận động chữ ký này sẽ kéo dài cho đến Tháng 1 năm tới, 2024.
Dưới đây là một số hình ảnh của cuộc xuống đường mời ký Kiến Nghị của Đảng Bộ Việt Tân tại Sydney vào sáng và trưa Chủ Nhật 16/7/2023 vừa qua.

 

 

RFA – Tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc đi tuần ở vùng biển Việt Nam

Tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc CCG 5901 vào vùng biển Việt Nam và tiến gần tới các lô dầu khí ở phía Nam Việt Nam trong các ngày 5 và 6 tháng 7 trong khi tàu kiểm ngư 277 của Việt Nam đeo bám.

Thông  tin này được chuyên gia Ray Powell thuộc Dự án Myoushu, chuyên theo dõi tình hình Biển Đông, thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đưa ra dựa theo phần mềm theo dõi hàng hải.

Thông tin trên Twitter được người đứng đầu Dự án Myoushu cho biết cụ thể, “trong các ngày 5 và 6 tháng bảy: lần thứ ba trong vòng 30 ngày, tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc có trọng tải 12 ngàn tấn là CCG 5901 – bật tín hiệu AIS (ý muốn cho mọi người thấy) đã đi tuần ở các lô dầu khí phía Nam Việt Nam. Việt Nam theo dõi các động thái này bằng tàu Kiểm Ngư 277”.

Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng đoàn tàu hộ tống gồm hải cảnh và dân quân biển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đi lại trong vùng nước này suốt 28 ngày.

Đội tàu này chỉ rời vùng biển Việt Nam vào hồi đầu tháng 6 vào khi giới chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Trung Quốc có các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh.

Trước đó, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát là Haizang Dizhi 4 Hao (Hải Dương Địa Chất 4, viết tắt HDDC-4) vào khảo sát trong vùng biển của Việt Nam từ ngày 6/3/2023 đến 2/4/2023 và từ ngày 6/4 đến ngày 18/4.

Liên quan đến việc tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 có mặt trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nước nhưng Bắc Kinh phớt lờ yêu cầu này, đồng thời khẳng định đội tàu của mình hoạt động hợp pháp trong vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

RFA 08/07/2023

Chuyên gia: “dường như VN vẫn ‘há họng chờ sung’ đợi người khác thay mình đi kiện giúp”

Vẫn còn quá sớm để đánh giá thực chất thành bại của chuyến thăm ‘đa mục đích’ tới Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong hạ tuần tháng 6/2023, tuy nhiên có thể khẳng định chưa có gì ‘đột phá’ về giải pháp liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong chuyện này, dường như Việt Nam vẫn chưa chủ động thúc đẩy một giải pháp pháp lý quốc tế, mà trái lại có thể đang bị động khi chờ một quốc gia khác trong khối ASEAN ‘đi kiện thay mình’ về tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, một nhà quan sát, phân tích thời sự và an ninh Biển Đông, cũng như chính trị khu vực, ông Trương Nhân Tuấn từ châu Âu nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do.

Ý kiến cho rằng Bắc Kinh, qua chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, “sẵn sàng làm việc” với Hà Nội về Biển Đông là một điều còn đáng hoài nghi, trong khi câu hỏi chính hay vấn đề cốt lõi cần đặt ra là liệu Trung Quốc có thực sự muốn “giải quyết” các tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam hay không, vẫn ý kiến trên quan điểm cá nhân của nhà quan sát từ Marseille, CH Pháp chia sẻ với RFA Tiếng Việt trong phần tiếp theo của cuộc trao đổi, mà sau đây là nội dung.

Trung Quốc nói ‘sẵn sàng hợp tác’, VN có thể tin tưởng?

RFATruyền thông Việt Nam liên quan chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho hay “Bắc Kinh nói sẵn sàng làm việc với Việt Nam về Biển Đông”, ông có bình luận gì về điều này, nhất là về độ tin tưởng đối với Trung Quốc?

Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi hoài nghi về ý kiến cho rằng Trung Quốc (TQ) “sẵn sàng làm việc với Việt Nam về Biển Đông”. Vấn đề cốt lõi là TQ muốn “giải quyết” các tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam (VN) hay không? Từ ba thập niên nay, qua nhiều hình thức, TQ sử dụng nhiều biện pháp từ chính trị nội bộ giữa hai đảng, cho đến các “chiến thuật vùng xám”, tức các hành vi răn đe vũ lực (phi chiến tranh) trên thực địa để “được đằng chân lân đàng đầu”, kiểu “tằm ăn dâu”.

Điển hình là ở khu vực bãi Tư Chính, theo tôi thấy, trên danh nghĩa pháp lý và lịch sử, TQ không có bất kỳ lý do chính đáng nào để yêu sách vùng biển Tư chính của VN. Không hiểu tại sao VN chấp nhận thực tế cho rằng “có tranh chấp” ở vùng biển này? VN phải yêu cầu Repsol rút giàn khoan, ngay cả phải bồi thường cho đối tác hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đô la. Không lẽ VN đã nhìn nhận yêu sách của TQ là hợp lý?

Về vấn đề cấm biển hàng năm của TQ, khu vực biển phía bắc vĩ tuyến 12°. Rõ ràng khu vực biển Hoàng Sa là vùng biển “có tranh chấp”. Lý do nào VN liên tục chịu trận từ hai thập niên nay, bất kể ngư dân VN phải chịu cảnh lầm than? TQ có sẵn sàng “làm việc với VN” để giải quyết vấn đề chồng lấn vùng biển và khoanh vùng đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa hay không? Rồi TQ có sẵn sàng “làm việc” với VN để làm rõ các yêu sách của họ, ở những vùng thuộc phạm vi tài phán của VN, quy định theo luật Quốc tế về Biển hay không?

Đâu phải khi họ nói họ “sẵn sàng làm việc” với mình thì đó là dấu hiệu tốt đâu? Cốt lõi, vấn đề của mọi vấn đề, theo tôi, là họ có chịu “giải quyết” các tranh chấp trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai quốc gia, bằng các phương tiện hòa bình hay không?

RFATheo truyền thông Trung Quốc, hai Thủ tướng của Trung Quốc và Việt Nam trong dịp này có ‘trao đổi ý kiến sâu rộng’ về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, bên cạnh ‘tăng cường kết nối, ổn định’ chuỗi sản xuất và cung ứng, theo ông VN nên lưu ý gì nếu tham gia vào sáng kiến này hiện nay hay tới đây của Trung Quốc?

Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi những gì ông Phạm Minh Chính thảo luận với ông Lý Cường, đặc biệt liên quan vấn đề VN hợp tác với TQ trong sáng kiến “vành đai con đường” của TQ, thì tất cả chỉ khai triển những gì mà ông TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc từ tháng 11 năm ngoái.

Theo đó, trong Phần 7 khoản 1 của Tuyên bố chung VN-TQ tháng 11 năm 2022, có nêu rõ rằng: “Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”.

Nếu chúng ta nhìn các quốc gia đã tham gia sáng kiến này của TQ, (ngay cả Malaysia) có thể thấy hiện nay tất cả đều phải đối diện với khả năng phá sản. TQ cho vay dễ dàng mà các quốc gia lại không xem xét các điều kiện đi kèm đằng sau. Một số các quốc gia Châu Phi phải tạm ‘nhượng lãnh thổ’ cho TQ để trừ nợ.

Theo tôi, đây là chuyện mà lãnh đạo VN phải suy nghĩ trước khi ký kết bất cứ điều gì với TQ.

Có khai thông, mới mẻ hay vẫn như cũ?

RFATheo truyền thông VN, tại cuộc gặp giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh, “hai bên thống nhất duy trì hòa bình, ổn định trên biển”, thậm chí có đề cập vấn đề DOC và COC, ngoài ra là bàn hợp tác kinh tế, mậu dịch, thương mại, tháo gỡ một số khó khăn, phải chăng đây là một chuyến thăm hữu ích và đem lại hiệu quả cho cả hai bên, và có thể coi là thành công với Thủ tướng VN Phạm Minh Chính? Độ tin cậy giữa hai bên theo ông sẽ như thế nào và tính ổn định ‘kéo dài’ được bao lâu?

Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi sẽ quá sớm để nói về thành công hay thất bại chuyến đi của thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhưng về về Biển Đông, tôi thấy không có điều gì đột phá (quan trọng) hết cả. Nếu ta xét nội dung các Tuyên bố chung VN và TQ từ năm 2000 đến nay, nội dung về Biển Đông không có nhiều thay đổi.

Hãy dẫn lại một đoạn trong Tuyên bố chung năm 2000, hai bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Đường Gia Triền, trong đó nêu rằng: “Hai bên khẳng định, tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thuỷ văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước”.

Thêm một đoạn nữa trong Tuyên bố chung 2016 giữa hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lý Khắc Cường, trong đó nêu rõ: “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Và gần hơn, thêm một đoạn Tuyên bố chung giữa hai Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình 2017, cũng nêu rõ: “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Nếu nhìn lại những gì được công bố tới nay qua chuyến thăm của Thủ tướng Chính tới Trung Quốc, thì theo tôi rõ ràng là về chính yếu, không có gì mới cả, nay nếu nói theo cách nói lái của dân gian trong tiếng Việt, thì đó là “Vũ Như Cẩn” (tức vẫn như cũ) mà thôi.

Đã thực sự chủ động, hay ‘há miệng chờ sung’?

RFA: Chuyển sang tình hình láng giềng của Việt Nam ở Đông Nam Á có liên quan hợp tác và an ninh trên Biển Đông và khu vực, gần đây có ý kiến trong giới quan sát, phân tích và học giả theo dõi tình hình khu vực, trong đó có ý kiến của học giả Việt Nam, gợi ý rằng khi Philippines ‘đàm phán’ với Trung Quốc về lệnh cấm đánh cá, Philippines (có thể) đã có thể ‘nhìn nhận quyền tài phán của TQ’ trên những vùng biên liên quan ‘tranh chấp’ giữa hai bên, ý kiến của ông thế nào, nếu những điều này có cơ sở?

Ông Trương Nhân Tuấn: Theo dõi truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt hôm 22/6/2023 (*) gần đây, liên quan chủ đề Philippines đàm phán với TQ về lịnh cấm đánh cá, tôi thấy các học giả Việt Nam được dẫn ý kiến ở đó có thể đã có nhận định sai lầm và khá chủ quan về tính toán của Manila.

Cụ thể là theo tôi Tổng thống Marcos của Philippines không “dại” để ký với TQ những thỏa thuận mà sau đó TQ có thể cho rằng Philippines đã nhìn nhận quyền tài phán của TQ trên những vùng biển liên quan, (như nhận định của các học giả VN). Ngay cả khi Tổng thống Marcos có những hành vi sai lầm, làm lợi cho TQ, thì luật của Philippines có những điều khoản không cho phép chuyện này xảy ra.

Về chuyện TQ cấm đánh cá. Nếu ta có theo dõi những động thái của Philippines, từ giàn học giả tài giỏi và yêu nước của Philippines, cho đến các chính trị gia, nghị sĩ, dân biểu… từ nhiều năm nay về lệnh cấm biển của TQ, ta thấy rất có thể Philippines sẽ kiện TQ lần nữa, đối tượng kiện là những tranh chấp đến từ các việc “giải thích và cách áp dụng luật biển” ở vùng biển giới hạn từ vĩ tuyến 12° về phía bắc.

Hiện thời đã có các nghị sĩ Philippines yêu sách Bộ ngoại giao Philippines phải triệu tập Đại Hội đồng LHQ, yêu cầu Đại Hội đồng này ra tuyên bố về cách xử sự của TQ trong vùng biển của Philippines.

Về ý kiến Tổng thống Marcos “đạt tiến bộ” trong đàm phán với TQ về việc cấm đánh cá, tôi cho rằng mục đích của ông Marcos là muốn tìm một “giải pháp”, dầu là giải pháp tạm bợ, để bảo vệ ngư dân Philippines, những người bị ảnh hưởng về chuyện này.

Nên biết là ngư trường của Philippines gồm có 12 ngư trường. Chỉ có hai ngư trường bị “dính” vào lịnh cấm đánh cá của TQ.

Nếu ta tìm hiểu sâu, ta thấy rằng vùng biển chung quanh đá Scarborough (đá Hoàng Nham) là “ngư trường truyền thống” của Philippines, (kiểu như vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân VN) mà đá này TQ yêu sách chủ quyền (và đã chiếm đóng).

Tức là hai ngư trường liên quan của Philippines có dính dáng tới đá Hoàng Nham. Quy chiếu theo Phán quyết của tòa PCA 13-7-2016, Tòa nhìn nhận vùng biển chung quanh đá Hoàng Nham là “vùng đánh cá truyền thống” của ngư dân ba quốc gia TQ, VN và Philippines.

Vấn đề (quan trọng) mà các học giả cũng bỏ qua, theo tôi, là ý nghĩa pháp lý của “vùng đánh cá truyền thống” và “quyền” của ngư dân trong vùng đánh cá này. Bài phỏng vấn các chuyên gia được truyền thông giới thiệu hôm 22/6 mà tôi đọc được, có nói về “đối sách” của VN. Tôi thấy qua bài này VN, không có đối sách nào cả.

Chính quyền và ĐCSVN, theo tôi, đã không làm gì cả để bảo vệ ngư dân VN, trước lịnh cấm biển của TQ. Vì vậy, một lần nữa, tôi hoài nghi và cho rằng chính quyền VN đang “há họng chờ sung” và họ chỉ chờ Philippines đi kiện để được hưởng lợi mà thôi.

Vấn đề là Tổng thống Marcos của Philippines chủ động cố gắng đi tìm một “giải pháp” cho ngư dân của họ. Vì đó là trách nhiệm của tổng thống, người lãnh đạo quốc gia. Còn VN thì sao? Tôi cho rằng xúi dân “bám biển” không phải là giải pháp.”

RFA – 28/06/2023

Vận động ký Kiến Nghị Thư trong Lễ Tưởng Niệm Thảm Sát Thiên An Môn tại Paris

Lễ tưởng niệm 34 năm cuộc Thảm sát Thiên An Môn đã được tổ chức tại Paris vào ngày 4 tháng 6 với sự tham gia của nhiều tổ chức, cộng đồng và chính giới thành phố.

Ngày 4 tháng 6 năm 1989 chính quyền đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa quân đội đàn áp cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn. Số người bị sát hại cho đến nay vẫn chưa bao giờ được báo chính thức. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế ước tính số nạn nhân lên đến hàng chục ngàn người.

Tại Paris, lễ Tưởng niệm những nạn nhân Thiên An Môn được tổ chức hàng năm với sự tham gia của các nhóm vận động nhân quyền dân chủ cho Trung Quốc cùng các cộng đồng người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, người Việt Nam, Hong Kong… và các tổ chức vận động nhân quyền quốc tế. Chủ tịch Amnesty International Pháp ông Jean Claude Samouiller cũng đến tham dự lễ tưởng niệm năm nay.

Một số giới chức chính quyền cũng đã hiện diện như bà Geneviève Garrigos, cựu chủ tịch Amnesty International Pháp và hiện là một cố vấn cho thị trưởng Paris.

Tại lễ tưởng niệm năm nay, cộng đồng người Việt đã vận động nhiều người tham dự cùng ký vào Kiến Nghị Thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam. Hầu hết những người được mời đọc bản kiến nghị đều đồng ý ký tên, bao gồm bà Geneviève Garrigos và ông Jean Claude Samouiller, cho thấy sự quan tâm của thế giới đối với việc Bắc Kinh có những hành động đe doạ đến an ninh hoà bình của người dân ở Châu Á cũng như Thế Giới.

Vận động cho Kiến Nghị Thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam tại Châu Âu

Trong các tuần qua, tại Bỉ, Pháp và Đức , đã có nhiều cuộc vận động đồng hương cùng ký tên vào Kiến Nghị Thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam.

Đồng hương ký tên vào Kiến Nghị Thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam trong dịp Tưởng Niệm 30/04 tại Paris

 

Đồng hương ký tên vào Kiến Nghị Thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam trong buổi chiếu phim Vượt Sóng tại Paris

 

 

Vận động cho Kiến Nghị Thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam tại Đại Hội Công Giáo Việt Nam ở Đức

Các tàu Trung Quốc tiếp tục vi phạm EZZ của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Hà Nội

Một tàu nghiên cứu và năm tàu hộ tống của Trung Quốc vẫn còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông, gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác, vào hôm 26 tháng 5, một ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối và yêu cầu các tàu này rời khỏi.

Tàu Xiang Yang Hong 10 của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7 tháng 5. Theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford, thì đây là lần xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019. Ông Powell còn cho biết hai kiểm ngư Việt Nam đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200-300 mét vào hôm 26 tháng 5.

Hôm 25 tháng 5, Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi, một hành động hiếm có, theo ông Powell. Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm 22 tháng 5 của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.

Ông Powell cho rằng hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vào năm 2019 đã diễn ra cuộc đối đầu kéo dài hơn ba tháng giữa các tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam gần một lô dầu khí do công ty Rosneft của Nga khai thác. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán lại lô dầu khí ở Biển Đông này cho công ty quốc doanh Nga Zarubezhneft, là công ty hiện đang vận hành một số mỏ khí đốt ở nơi đang diễn ra tranh chấp.

Trong những tuần qua kể từ ngày 7 tháng 5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi được hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển nhiều lần qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetr, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.

Chiếc tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép khai thác cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã phát hành các hồ sơ dự thầu để cấp phép cho hai lô này.

Khi được giới phóng viên hỏi về sự việc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning, đã ngang nhiên nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan. Cho nên việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong các vùng biển này là bình thường, hoàn toàn không có vấn đề đi vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.”

Theo quy tắc quốc tế, các tàu được phép đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, nhưng các hoạt động của Trung Quốc từ lâu đã bị Việt Nam và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines và Malaysia, coi là gây hấn.

Nguồn: Reuters

Lưỡng Viện Tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ công bố Chứng nhận “Đánh dấu 50 năm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm lược”

Chủ tịch Hạ Viện Scott Saiki và Chủ tịch Thượng Viện Ronald Kouchi của Tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ đã cùng 30 dân biểu và thượng nghị sĩ khác ký tên ban hành bản Chứng nhận “Đánh dấu 50 năm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm lược”.

Đây là một thành công lớn của cộng đồng người Việt tại Hawaii trong nỗ lực tạo sự quan tâm và lên tiếng của thế giới đối với hành vi xâm lược của Trung Quốc, đang đe dọa hòa bình chung.

Cơ quan lập pháp thứ 32 của Tiểu bang Hawaii ghi nhận Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ 19 và đang kiểm soát nơi này khi bị Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc xâm lược vào ngày 19 tháng 01 năm 1974, khiến 74 hải quân VNCH hy sinh tính mạng.

Các nhà lập pháp nhận định việc Trung Quốc tấn công và tiếp tục chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa là một vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và cần được giải quyết bằng phương thức ôn hòa bởi các quốc gia thành viên.

Tuyên bố cũng nhắc lại rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhận định “các hành động của Trung Quốc, nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Cơ quan lập pháp Tiểu bang Hawaii cũng đã vinh danh tất cả những người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Bản Chứng nhận của Tiểu bang Hawaii “Đánh dấu 50 năm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm lược” cho thấy Trung Quốc đang bị các quốc gia tự do dân chủ xem là mối đe dọa cho hòa bình, an ninh và trật tự thế giới. Người dân Việt Nam cần cùng nhau có những hành động cụ thể tạo sức mạnh cho phong trào đấu tranh đòi lại chủ quyền biển đảo của quốc gia.

 

Mọi chi tiếc xin liên lạc: Cộng Đồng Việt Nam Tự Do Hawaii – Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch – (808) 230-6210

Tàu nghiên cứu và hơn một chục tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam

Hôm thứ Tư 10 tháng 5, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được hộ tống bởi hai tàu Hải cảnh số hiệu và cả chục tàu dân quân biển Trung Quốc đã tiến vào khu vực có một lô khí đốt do các công ty quốc doanh của Nga và Việt Nam đang khai thác.

Tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu Hải cảnh và 11 tàu cá dân quân biển đã tiến vào cách lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam, khoảng 20 dặm và cách lô 05-1 B và 05-1 C do công ty Nhật Bản Idemitsu khai thác khoảng 10 dặm. Đến tối cùng ngày các tàu này vẫn còn ở trong khu vực. Các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông.

Tàu nghiên cứu Trung Quốc di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng đã giảm tốc độ 4-5 hải lý/giờ, cho thấy tàu đang tiến hành khảo sát ở đó.

Tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia mà không có thông báo trước bị coi là hành động thù địch hoặc khiêu khích.

Có ít nhất ba tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tiến sát các tàu Trung Quốc. Trong buổi sáng ngày 10 tháng 5, tàu Kiểm ngư 414 đã liên tục bị tàu Hải cảnh Trung Quốc 4303 quấy rối và bị tàu dân quân Qiong Sansha Yu 309 cắt ngang trước mặt gần các mỏ dầu khí của Việt Nam. Tuy nhiên đến tối ngày 10 tháng 5 (giờ Việt Nam) Kiểm ngư 414 được ghi nhận đi theo tàu khảo sát Trung Quốc Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng) khi tàu này đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý. Phía Việt Nam còn điều thêm tàu Kiểm ngư 475 từ Cam Ranh ra theo dõi các tàu của phía Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhiều lần bị cáo buộc sử dụng lực lượng hải cảnh và một đội tàu dân quân biển giả dạng tàu đánh cá để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động khai thác năng lượng ngoài khơi của các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đây là cách thức của Bắc Kinh nhằm để áp đặt tuyên bố chủ quyền  bất hợp pháp trên gần như toàn bộ Biển Đông và cũng để thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh vào thời điểm căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Nhưng theo ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông của Đại học Stanford, thì động thái hôm 10 tháng 5 là “bất thường” vì “số lượng lớn các tàu dân quân và tàu hải cảnh”.

“Dường như họ đang gửi thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam”, ông Powell nói.

Một ngày trước, ngày 9 tháng 5, các tàu thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã cố tình tiến gần một khu vực trên Biển Đông nơi hải quân của Ấn Độ và các nước ASEAN đang diễn tập. Khu vực này nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đây là cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME-2023), do hải quân Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức.

Các chuyên gia độc lập về Biển Đông thuộc tổ chức SCSCI cho rằng Bắc Kinh dường như sử dụng lực lượng dân binh để hăm dọa và phá rối cuộc diễn tập hải quân. Đây không phải là lần đầu tiên “cái gọi là tàu cá” của Trung Quốc xuất hiện và hăm dọa tàu đánh cá và cả tàu chiến của các nước khác.

Vào tháng 3 các tàu Trung Quốc cũng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến gần các lô dầu khí do các công ty Nga khai thác.

 

Lịch sử chứng minh Hoàng Sa & Trường Sa thuộc Việt Nam

Tài liệu lịch sử cho thấy, từ thế kỷ thứ 17 các triều đại vua Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Các sự kiện lịch sử cận đại cũng chứng minh các nước trên thế giới chưa bao giờ phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời qua.

Thế nhưng ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Và kể từ đó Bắc Kinh không ngừng gia tăng bành trướng quân sự tại Biển Đông, tấn công, đánh cướp các ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong gần 50 năm qua, người dân Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu sau trận hải chiến Hoàng Sa cho đến nay, người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của quốc gia và phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc.

Bấm vào đường dẫn để xem video:

Lịch sử chứng minh Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam

Hãy cùng góp tiếng nói của bạn bằng cách ký tên vào kiến nghị thư “Hoàng Sa Thuộc Việt Nam” để lên án Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình chung và kêu gọi thế giới có hành động để bảo vệ ngư dân ở Biển Đông.

Kiến nghị thư sẽ được gửi đến các Lãnh đạo AUKUS và Quad, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư Ký Tòa Án Trọng Tài Thường Trực với hàng chục ngàn chữ ký chứng minh quyết tâm của dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bạo lực.

Trung Quốc sẽ thảo luận về quyền đánh cá ở Biển Đông với Phi Luật Tân

Trung Quốc đã đồng ý thảo luận với Phi Luật Tân về quyền đánh cá ở Biển Đông sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói rằng cần có một “đường dây liên lạc trực tiếp” với Bắc Kinh về những tranh chấp hàng hải.

Ông Marcos cho biết Trung Quốc đã đồng ý “ngồi xuống” và thảo luận về quyền đánh cá của người Philippines ở Biển Đông, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã yêu cầu Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Bộ Ngoại giao “vẽ ra… một bản đồ về các hoạt động đánh bắt cá này” sẽ được trình bày cho Bắc Kinh.

Trước đó, Philippines đã cáo buộc lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đã áp dụng “chiến thuật hung hăng” trong một đối diện với lực lượng tuần dương nước này gần Bãi Cỏ Mây do Philippines nắm giữ, nằm cách bờ biển của họ Philippines 105 hải lý (195 km). Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối các tàu Philippines ở Biển Đông.

Trong bối cảnh bị Bắc Kinh gia tăng áp lực ở Biển Đông, Phi Luật Tân đã thắt chặt liên minh an ninh với Hoa Kỳ. Vào đầu năm nay, Manila đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ tiếp cận bốn căn cứ quân sự mới, ba trong số đó nằm ở phía bắc và đối diện với Đài Loan.

Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 5, Tổng thống Marcos đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh duy nhất có ký hiệp ước an ninh với Phi Luật Tân, trong khi tình hình địa chính trị ở Biển Đông được cho là “phức tạp nhất trên thế giới hiện nay”. Trước đó, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân đã thực hiện cuộc tập trận chung hàng năm với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với ông Marcos rằng Hoa Kỳ cam kết “chắc như thép” sẽ bảo vệ đồng minh của mình, kể cả ở Biển Đông.

Lãnh đạo hai nước cũng đồng ý trên các hướng dẫn mới để hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn, cũng như tăng cường hợp tác kinh tế.

Chuyến thăm Washington của Tổng thống Marcos đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ Hoa Kỳ – Philippines trong khi cả hai nước tìm cách đẩy lùi những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc gần Đài Loan và Biển Đông.

Trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, Phi Luật Tân cho thấy đã “chọn phe” Hoa Kỳ sau khi thời tổng thống Rodrigo Duterte đi gần với Trung Quốc hơn nhưng Bắc Kinh đã không thực hiện các hứa hẹn kinh tế cũng như giải quyết tranh chấp về biển Đông giữa hai nước, khiến dư luận Phi Luật Tân cho rằng ông Duterte đã bị Bắc Kinh lừa.

Phải chăng động thái này của Manila khiến Bắc Kinh xuống nước đồng ý thảo luận về quyền đánh cá ở Biển Đông với Phi Luật Tân trong khi đối với Việt Nam thì Trung Quốc tự xem như có quyền áp đặt lệnh đánh bắt cá, hoàn toàn không quan tâm gì đến phản đối yếu ớt của Hà Nội.