Vẫn còn quá sớm để đánh giá thực chất thành bại của chuyến thăm ‘đa mục đích’ tới Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong hạ tuần tháng 6/2023, tuy nhiên có thể khẳng định chưa có gì ‘đột phá’ về giải pháp liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong chuyện này, dường như Việt Nam vẫn chưa chủ động thúc đẩy một giải pháp pháp lý quốc tế, mà trái lại có thể đang bị động khi chờ một quốc gia khác trong khối ASEAN ‘đi kiện thay mình’ về tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, một nhà quan sát, phân tích thời sự và an ninh Biển Đông, cũng như chính trị khu vực, ông Trương Nhân Tuấn từ châu Âu nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do.
Ý kiến cho rằng Bắc Kinh, qua chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, “sẵn sàng làm việc” với Hà Nội về Biển Đông là một điều còn đáng hoài nghi, trong khi câu hỏi chính hay vấn đề cốt lõi cần đặt ra là liệu Trung Quốc có thực sự muốn “giải quyết” các tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam hay không, vẫn ý kiến trên quan điểm cá nhân của nhà quan sát từ Marseille, CH Pháp chia sẻ với RFA Tiếng Việt trong phần tiếp theo của cuộc trao đổi, mà sau đây là nội dung.
Trung Quốc nói ‘sẵn sàng hợp tác’, VN có thể tin tưởng?
RFA: Truyền thông Việt Nam liên quan chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho hay “Bắc Kinh nói sẵn sàng làm việc với Việt Nam về Biển Đông”, ông có bình luận gì về điều này, nhất là về độ tin tưởng đối với Trung Quốc?
Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi hoài nghi về ý kiến cho rằng Trung Quốc (TQ) “sẵn sàng làm việc với Việt Nam về Biển Đông”. Vấn đề cốt lõi là TQ muốn “giải quyết” các tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam (VN) hay không? Từ ba thập niên nay, qua nhiều hình thức, TQ sử dụng nhiều biện pháp từ chính trị nội bộ giữa hai đảng, cho đến các “chiến thuật vùng xám”, tức các hành vi răn đe vũ lực (phi chiến tranh) trên thực địa để “được đằng chân lân đàng đầu”, kiểu “tằm ăn dâu”.
Điển hình là ở khu vực bãi Tư Chính, theo tôi thấy, trên danh nghĩa pháp lý và lịch sử, TQ không có bất kỳ lý do chính đáng nào để yêu sách vùng biển Tư chính của VN. Không hiểu tại sao VN chấp nhận thực tế cho rằng “có tranh chấp” ở vùng biển này? VN phải yêu cầu Repsol rút giàn khoan, ngay cả phải bồi thường cho đối tác hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đô la. Không lẽ VN đã nhìn nhận yêu sách của TQ là hợp lý?
Về vấn đề cấm biển hàng năm của TQ, khu vực biển phía bắc vĩ tuyến 12°. Rõ ràng khu vực biển Hoàng Sa là vùng biển “có tranh chấp”. Lý do nào VN liên tục chịu trận từ hai thập niên nay, bất kể ngư dân VN phải chịu cảnh lầm than? TQ có sẵn sàng “làm việc với VN” để giải quyết vấn đề chồng lấn vùng biển và khoanh vùng đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa hay không? Rồi TQ có sẵn sàng “làm việc” với VN để làm rõ các yêu sách của họ, ở những vùng thuộc phạm vi tài phán của VN, quy định theo luật Quốc tế về Biển hay không?
Đâu phải khi họ nói họ “sẵn sàng làm việc” với mình thì đó là dấu hiệu tốt đâu? Cốt lõi, vấn đề của mọi vấn đề, theo tôi, là họ có chịu “giải quyết” các tranh chấp trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai quốc gia, bằng các phương tiện hòa bình hay không?
RFA: Theo truyền thông Trung Quốc, hai Thủ tướng của Trung Quốc và Việt Nam trong dịp này có ‘trao đổi ý kiến sâu rộng’ về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, bên cạnh ‘tăng cường kết nối, ổn định’ chuỗi sản xuất và cung ứng, theo ông VN nên lưu ý gì nếu tham gia vào sáng kiến này hiện nay hay tới đây của Trung Quốc?
Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi những gì ông Phạm Minh Chính thảo luận với ông Lý Cường, đặc biệt liên quan vấn đề VN hợp tác với TQ trong sáng kiến “vành đai con đường” của TQ, thì tất cả chỉ khai triển những gì mà ông TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc từ tháng 11 năm ngoái.
Theo đó, trong Phần 7 khoản 1 của Tuyên bố chung VN-TQ tháng 11 năm 2022, có nêu rõ rằng: “Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”.
Nếu chúng ta nhìn các quốc gia đã tham gia sáng kiến này của TQ, (ngay cả Malaysia) có thể thấy hiện nay tất cả đều phải đối diện với khả năng phá sản. TQ cho vay dễ dàng mà các quốc gia lại không xem xét các điều kiện đi kèm đằng sau. Một số các quốc gia Châu Phi phải tạm ‘nhượng lãnh thổ’ cho TQ để trừ nợ.
Theo tôi, đây là chuyện mà lãnh đạo VN phải suy nghĩ trước khi ký kết bất cứ điều gì với TQ.
Có khai thông, mới mẻ hay vẫn như cũ?
RFA: Theo truyền thông VN, tại cuộc gặp giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh, “hai bên thống nhất duy trì hòa bình, ổn định trên biển”, thậm chí có đề cập vấn đề DOC và COC, ngoài ra là bàn hợp tác kinh tế, mậu dịch, thương mại, tháo gỡ một số khó khăn, phải chăng đây là một chuyến thăm hữu ích và đem lại hiệu quả cho cả hai bên, và có thể coi là thành công với Thủ tướng VN Phạm Minh Chính? Độ tin cậy giữa hai bên theo ông sẽ như thế nào và tính ổn định ‘kéo dài’ được bao lâu?
Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi sẽ quá sớm để nói về thành công hay thất bại chuyến đi của thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhưng về về Biển Đông, tôi thấy không có điều gì đột phá (quan trọng) hết cả. Nếu ta xét nội dung các Tuyên bố chung VN và TQ từ năm 2000 đến nay, nội dung về Biển Đông không có nhiều thay đổi.
Hãy dẫn lại một đoạn trong Tuyên bố chung năm 2000, hai bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Đường Gia Triền, trong đó nêu rằng: “Hai bên khẳng định, tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thuỷ văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước”.
Thêm một đoạn nữa trong Tuyên bố chung 2016 giữa hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lý Khắc Cường, trong đó nêu rõ: “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Và gần hơn, thêm một đoạn Tuyên bố chung giữa hai Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình 2017, cũng nêu rõ: “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Nếu nhìn lại những gì được công bố tới nay qua chuyến thăm của Thủ tướng Chính tới Trung Quốc, thì theo tôi rõ ràng là về chính yếu, không có gì mới cả, nay nếu nói theo cách nói lái của dân gian trong tiếng Việt, thì đó là “Vũ Như Cẩn” (tức vẫn như cũ) mà thôi.
Đã thực sự chủ động, hay ‘há miệng chờ sung’?
RFA: Chuyển sang tình hình láng giềng của Việt Nam ở Đông Nam Á có liên quan hợp tác và an ninh trên Biển Đông và khu vực, gần đây có ý kiến trong giới quan sát, phân tích và học giả theo dõi tình hình khu vực, trong đó có ý kiến của học giả Việt Nam, gợi ý rằng khi Philippines ‘đàm phán’ với Trung Quốc về lệnh cấm đánh cá, Philippines (có thể) đã có thể ‘nhìn nhận quyền tài phán của TQ’ trên những vùng biên liên quan ‘tranh chấp’ giữa hai bên, ý kiến của ông thế nào, nếu những điều này có cơ sở?
Ông Trương Nhân Tuấn: Theo dõi truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt hôm 22/6/2023 (*) gần đây, liên quan chủ đề Philippines đàm phán với TQ về lịnh cấm đánh cá, tôi thấy các học giả Việt Nam được dẫn ý kiến ở đó có thể đã có nhận định sai lầm và khá chủ quan về tính toán của Manila.
Cụ thể là theo tôi Tổng thống Marcos của Philippines không “dại” để ký với TQ những thỏa thuận mà sau đó TQ có thể cho rằng Philippines đã nhìn nhận quyền tài phán của TQ trên những vùng biển liên quan, (như nhận định của các học giả VN). Ngay cả khi Tổng thống Marcos có những hành vi sai lầm, làm lợi cho TQ, thì luật của Philippines có những điều khoản không cho phép chuyện này xảy ra.
Về chuyện TQ cấm đánh cá. Nếu ta có theo dõi những động thái của Philippines, từ giàn học giả tài giỏi và yêu nước của Philippines, cho đến các chính trị gia, nghị sĩ, dân biểu… từ nhiều năm nay về lệnh cấm biển của TQ, ta thấy rất có thể Philippines sẽ kiện TQ lần nữa, đối tượng kiện là những tranh chấp đến từ các việc “giải thích và cách áp dụng luật biển” ở vùng biển giới hạn từ vĩ tuyến 12° về phía bắc.
Hiện thời đã có các nghị sĩ Philippines yêu sách Bộ ngoại giao Philippines phải triệu tập Đại Hội đồng LHQ, yêu cầu Đại Hội đồng này ra tuyên bố về cách xử sự của TQ trong vùng biển của Philippines.
Về ý kiến Tổng thống Marcos “đạt tiến bộ” trong đàm phán với TQ về việc cấm đánh cá, tôi cho rằng mục đích của ông Marcos là muốn tìm một “giải pháp”, dầu là giải pháp tạm bợ, để bảo vệ ngư dân Philippines, những người bị ảnh hưởng về chuyện này.
Nên biết là ngư trường của Philippines gồm có 12 ngư trường. Chỉ có hai ngư trường bị “dính” vào lịnh cấm đánh cá của TQ.
Nếu ta tìm hiểu sâu, ta thấy rằng vùng biển chung quanh đá Scarborough (đá Hoàng Nham) là “ngư trường truyền thống” của Philippines, (kiểu như vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân VN) mà đá này TQ yêu sách chủ quyền (và đã chiếm đóng).
Tức là hai ngư trường liên quan của Philippines có dính dáng tới đá Hoàng Nham. Quy chiếu theo Phán quyết của tòa PCA 13-7-2016, Tòa nhìn nhận vùng biển chung quanh đá Hoàng Nham là “vùng đánh cá truyền thống” của ngư dân ba quốc gia TQ, VN và Philippines.
Vấn đề (quan trọng) mà các học giả cũng bỏ qua, theo tôi, là ý nghĩa pháp lý của “vùng đánh cá truyền thống” và “quyền” của ngư dân trong vùng đánh cá này. Bài phỏng vấn các chuyên gia được truyền thông giới thiệu hôm 22/6 mà tôi đọc được, có nói về “đối sách” của VN. Tôi thấy qua bài này VN, không có đối sách nào cả.
Chính quyền và ĐCSVN, theo tôi, đã không làm gì cả để bảo vệ ngư dân VN, trước lịnh cấm biển của TQ. Vì vậy, một lần nữa, tôi hoài nghi và cho rằng chính quyền VN đang “há họng chờ sung” và họ chỉ chờ Philippines đi kiện để được hưởng lợi mà thôi.
Vấn đề là Tổng thống Marcos của Philippines chủ động cố gắng đi tìm một “giải pháp” cho ngư dân của họ. Vì đó là trách nhiệm của tổng thống, người lãnh đạo quốc gia. Còn VN thì sao? Tôi cho rằng xúi dân “bám biển” không phải là giải pháp.”
RFA – 28/06/2023