Các tàu Trung Quốc tiếp tục vi phạm EZZ của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Hà Nội

Một tàu nghiên cứu và năm tàu hộ tống của Trung Quốc vẫn còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông, gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác, vào hôm 26 tháng 5, một ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối và yêu cầu các tàu này rời khỏi.

Tàu Xiang Yang Hong 10 của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7 tháng 5. Theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford, thì đây là lần xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019. Ông Powell còn cho biết hai kiểm ngư Việt Nam đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200-300 mét vào hôm 26 tháng 5.

Hôm 25 tháng 5, Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi, một hành động hiếm có, theo ông Powell. Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm 22 tháng 5 của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.

Ông Powell cho rằng hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vào năm 2019 đã diễn ra cuộc đối đầu kéo dài hơn ba tháng giữa các tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam gần một lô dầu khí do công ty Rosneft của Nga khai thác. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán lại lô dầu khí ở Biển Đông này cho công ty quốc doanh Nga Zarubezhneft, là công ty hiện đang vận hành một số mỏ khí đốt ở nơi đang diễn ra tranh chấp.

Trong những tuần qua kể từ ngày 7 tháng 5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi được hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển nhiều lần qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetr, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.

Chiếc tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép khai thác cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã phát hành các hồ sơ dự thầu để cấp phép cho hai lô này.

Khi được giới phóng viên hỏi về sự việc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning, đã ngang nhiên nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan. Cho nên việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong các vùng biển này là bình thường, hoàn toàn không có vấn đề đi vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.”

Theo quy tắc quốc tế, các tàu được phép đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, nhưng các hoạt động của Trung Quốc từ lâu đã bị Việt Nam và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines và Malaysia, coi là gây hấn.

Nguồn: Reuters