Trung Quốc lại một lần nữa áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên một khu vực rộng lớn trên Biển Đông. Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích gọi hành động này là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và kêu gọi Bắc Kinh không làm phức tạp thêm vấn đề.
Kể từ năm 1999 Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm hàng năm và Việt Nam thường xuyên chỉ lên tiếng phản đối. Trung Quốc cho biết lệnh cấm sẽ được áp dụng từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8, “nhằm thúc đẩy đánh bắt cá bền vững và cải thiện hệ sinh thái biển”.
Khu vực bị Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt bao phủ vùng biển 12 độ bắc của đường xích đạo và bao gồm một phần vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Việt Nam cũng như quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974. Trong suốt gần 50 năm qua người dân việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng này và luôn lên tiếng phản đối bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hôm 20 tháng Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Cái gọi là lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông bằng cách vẽ ra đường “chín đoạn” phi pháp không được thế giới công nhận. Bắc Kinh không ngừng quân sự hóa toàn bộ biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu hải cảnh, hàng ngàn tàu dân quân để củng cố các yêu sách của mình, ở cách xa bờ biển của họ hơn 1.000 km. Trong những năm gần đây, các tàu Trung Quốc gia tăng rượt đuổi, cướp phá tàu đánh cá, gây hại cho ngư dân Việt Nam ngay trong ngư trường truyền thống bao đời nay của người dân Việt Nam. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ngay trong thềm lục địa của mình cũng bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu.
Người dân Việt Nam trong và ngoài nước cần tiếp tục lên án hành vi bành trướng quân sự của Trung Quốc trên mọi diễn đàn để Thế giới quan tâm đến an nguy của ngư dân Việt Nam đang phải đối diện với sự tàn ác của hải cảnh Trung Quốc.