Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam đối đầu với tàu Hải Cảnh Trung Quốc ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Trích dẫn dữ kiện theo dõi hoạt động hàng hải toàn cầu, hãng tin Reuters đưa tin hôm 27 tháng 3, cho biết một tàu Kiểm ngư Việt Nam đã theo sát một tàu Hải cảnh Trung Quốc hôm 25 tháng 3, tại khu vực Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nơi các công ty của Nga cùng với đối tác Việt Nam khai thác dầu khí.
Theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ tổ chức nghiên cứu của Việt Nam mang tên South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập không thuộc chính phủ, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào các khu vực có các lô thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 40 lần kể từ tháng 1 năm 2022.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam đã bám sát tàu hải cảnh Trung Quốc CCG5205. Ảnh: Maritime Traffic
Các bản đồ do SCSCI tạo ra và được Reuters phân tích, sử dụng tín hiệu của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) từ các tàu đó, cho thấy năm ngoái các tàu Trung Quốc đã đi theo các tuyến đường gần như giống hệt nhau ít nhất 34 lần từ Bãi Tư Chính đến gần các mỏ dầu khí của Việt Nam khoảng 50 hải lý – đôi khi tiến sát chỉ cách các mỏ này 1 hải lý.
Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên tuần tra các mỏ dầu khí do các công ty Nga sở hữu hoặc điều hành ở Biển Đông
Các dữ liệu cho thấy, hôm 25 tháng 3, khi tàu Trung Quốc đã đi qua các mỏ, tàu Kiểm Ngư 278 của Việt Nam, do một cơ quan thực thi pháp luật về thủy sản điều hành, đã theo dõi sát con tàu này, có lúc hai tàu chỉ cách nhau chưa đầy 10 mét.
Khoảng 90 phút sau, tàu Trung Quốc rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vào khoảng nửa đêm giờ UTC ngày 26/3/2023, tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam và tàu hải cảnh CCG5205 của Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm. Ảnh: Maritime Traffic
Chuyện tàu Kiểm Ngư của Việt Nam và tàu Hải Cảnh Trung Quốc vờn nhau ở bãi Tư Chính xảy ra chỉ hai ngày sau khi một khu trục hạm của Mỹ mang hỏa tiễn tấn công USS Milius liên tiếp hai ngày đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo tại Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cướp năm 1974 nhưng Việt Nam vẫn luôn tuyên bố chủ quyền.
Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia cho phép quốc gia đó có tiếp cận độc quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và dưới đáy biển của nó.
Trong một năm qua tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam ít nhất 40 lần mà chính phủ Hà Nội đã không hề lên tiếng cho đến khi thông tin từ các cơ quan và truyền thông quốc tế tiết lộ.
Hành động của các nhân viên trên tàu Kiểm Ngư 278 đã chứng minh lòng can đảm và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân quân, tại sao chính phủ CSVN không dựa vào sức mạnh dân tộc để mạnh mẽ lên án và kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế.